Monday, March 31, 2014

Phần mềm trắc nghiệm tin học

Phần mềm trắc nghiệm tin học 


Chương trình trắc nghiệm tin học đại cương với kiến thức cơ bản về máy tính từ lịch sử phát triển máy tính, phần cứng, phần mềm máy tính, biểu diễn dữ liệu trên máy tính, mạng máy tính, hệ điều hành, ngôn ngữ lập trình C và kiến thức về tin học văn phòng…









Phần tin học căn bản:
  • Nội dung của chương trình được bố trí theo các phần giống với trong bài giảng tin học đại cương của trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội (Tin học căn bản và ngôn ngữ lập trình C).
  • Người dùng có thể ôn tập kiến thức của mình qua các bài trắc nghiệm nhỏ (10 câu) theo từng phần, hoặc có thể chọn ôn theo dạng một đề thi trắc nghiệm đầy đủ (30 câu).

Phần tin học văn phòng:
  • Nội dung câu hỏi về: Windows, Internet, các phần mềm Excel, Words, Powerpoint
  • đây là các câu hỏi trắc nghiệm giúp ôn thi lấy chứng chỉ tin học của bộ giáo dục, 
  • và các câu hỏi trong phần thi tin học được sử dụng khi thi tuyển công nhân viên chức

Phần ngôn ngữ lập trình C:
Bao gồm các kiến thức cơ bản về ngôn ngữ lập trình như: 
  • Các lệnh cơ bản
  • Mảng và xâu ký tự
  • Hàm - function
  • Cấu trúc - Struct
  • File
  • Con trỏ - pointer
  • Các cấu trúc dữ liệu cơ bản
Phần gợi ý làm bài tập trong sách bài tập
  • Nhằm giúp các bạn học tốt môn tin đại cương, chương trình cũng có phần gợi ý giải các bài tập trắc nghiệm trong sách bài tập tin đại cương của trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội. 
  • Tất cả các bài tập trắc nghiệm đều có lời giải và giải thích rõ ràng lý do lựa chọn đáp án.
Các câu hỏi được chia theo 3 cấp độ là :
  • Mức độ dễ (1 sao)
  • Mức độ trung bình (2 sao)
  • Mức độ khó (3 sao)
Thời gian làm bài cũng thay đổi theo các cấp độ này!

Các bạn có thể có thể download tại https://play.google.com/store/apps/details?id=com.goldsoft.educationgi


Tuesday, March 18, 2014

Hướng dẫn tạo và chia sẻ thư mục dùng Google Drive

Trước hết bạn phải đăng ký một tài khoản Gmail để dùng Google Drive (nếu chưa có bạn có thể vào mail.google.com để đăng ký)

1. Vào Google Drive qua giao diện web và tạo thư mục chia sẻ

Trên giao diện quản lý email của Gmail, bạn click vào hình như trên để truy cập vào Google Drive

Nếu đây là lần đầu tiên bạn dùng Gogole Drive thì có thể hộp thoại này sẽ xuất hiện, bạn click vào Not now, maybe later

Trong giao diện của Google Drive, bạn nhấn nút Create

Bạn chọn tạo thư mục mới - Folder

Tùy theo yêu cầu mà bạn đặt tên cho phù hợp, Ví dụ các bạn học lớp Cao đẳng chiều thứ 2, kỳ 20132 thì đặt tên thư mục là DSA_CD20132_Hoten_SHSV: Họ tên tốt nhất là viết liền, không dấu

Nếu bạn tạo đúng thì bạn sẽ có một thư mục như hình (đây được gọi là thư mục gốc, sẵn sàng để chia sẻ)

2. Chia sẻ thư mục với email nguyenduyhiep@gmail.com


Click chuột phải trên thư mục gốc của bạn và vào phần Share - chia sẻ

Trong phần invite people của chia sẻ, điền vào địa chỉ email nguyenduyhiep@gmail.com

Nếu bạn làm thành công thì sẽ có tên người thứ 2 có thể truy cập vào thư mục gốc của bạn là Hiep Nguyen (Chú ý là phải chờ người này Accept thì thư mục mới coi là gửi thành công!)

Chú ý: Bạn chỉ tạo và chia sẻ thư mục này một lần duy nhất!

3. Tạo và nộp các bài tập tuần

Để nộp các bài tập tuần bạn tạo các thư mục bài tập tuần tương ứng trong thư mục gốc,
ví dụ thư mục cho bài tập tuần 1 là baitaptuan1

Bạn nhấn vào nút như hình để tạo thêm một thư mục con trong thư mục gốc
(Hoặc chọn thư mục gốc và nhấn nút CREATE)

Thêm một thư mục mới cho bài tập tuần

Đặt tên thư mục theo tuần tương ứng, VD baitaptuan1

Thư mục baitaptuan1 sau khi tạo xong sẽ là thư mục con của thư mục gốc
(Thư mục này sẽ được tự động chia sẻ, bạn không cần chia sẻ lại nữa)

Để nộp các bài tập của tuần đó, bạn chọn thư mục tuần và vào phần Upload

Chọn upload Files

Sau khi chọn xong các file bài làm của tuần đó, bạn nhấn nút Upload and share

File đang được tải lên

Sau khi upload xong, bạn sẽ thấy file đó được hiển thị trong thư mục bài tập tuần (ở đây là baitaptuan1)

Tương tự bạn có thể tạo và nộp cho các bài tập tuần khác



Tuesday, March 4, 2014

Anh sắp bỏ thuế giao dịch Bitcoin

Trong một buổi họp với các doanh nghiệp, Cơ quan Thuế và Hải quan Anh - (HMRC) cho biết họ sẽ không đánh thuế 20% lên các giao dịch sử dụng đồng tiền ảo Bitcoin. Thuế trên khoản ký quỹ bằng Bitcoin cũng bị bãi bỏ.






Jonathan Harrison - giám đốc một doanh nghiệp lắp đặt ATM Bitcoin cho biết: "Nếu họ còn bổ sung thêm nhiều loại thuế, chúng tôi sẽ chẳng kinh doanh ở đây nữa. Thật tốt là giới chức Anh đã nhìn nhận Bitcoin như một cải tiến công nghệ, có thể hỗ trợ nền kinh tế".

Động thái ủng hộ của Anh diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mt. Gox - sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới, bị một khách hàng tại Mỹ kiện nhằm lấy lại số tiền bị mất vì hacker. Hiện tổng giá trị Bitcoin trên toàn cầu vào khoảng 7 tỷ USD.

Đồng tiền này đã đối mặt với rất nhiều vấn đề pháp lý trên thế giới, thậm chí bị cấm ở nhiều nước. Singapore mới đây công bố luật thuế cho Bitcoin. Nhật Bản bắt đầu nghĩ đến việc phải có quy định quản lý Bitcoin, sau khi Mt. Gox (trụ sở tại Tokyo) sụp đổ.

HMRC cho biết: "Chúng tôi đang làm việc sát sao với các doanh nghiệp về vấn đề thuế giao dịch và hoa hồng. HMRC sẽ sớm có hướng dẫn việc này".


Giá của Bitcoin cũng đang trên đà khôi phục lại, hiện tại đang ở mốc khoảng 650$/BTC

Nguồn vnexpress

Các thiết bị mạng cơ bản và chức năng của chúng

Có rất nhiều thiết bị mạng khác nhau, mỗi thiết bị có một đặc điểm và vai trò riêng, bài viết này sẽ giới thiệu về một số thiết bị mạng thông dụng như Bridge, Switch, Router, Hub, Repeater, và Gateway.

1. Bridge


Bridge là thiết bị mạng thuộc lớp thứ 2 trong mô hình OSI (Data Link Layer). Bridge được sử dụng để ghép nối 2 mạng để tạo thành một mạng lớn hơn (Ví dụ Bridge dùng làm cầu nối giữa hai mạng Ethernet).

Khi có một gói tin từ một máy tính thuộc mạng này chuyển tới một máy tính thuộc mạng khác, Bridge sẽ sao chép lại gói tin và và gửi nó tới mạng đích.


Bridge là hoạt động trong suốt, các máy tính thuộc các mạng khác nhau có thể gửi các thông tin với nhau đơn giản mà không cần biết sự có mặt của Bridge.

Bridge chỉ kết nối được những mạng cùng loại và sử dụng Bridge cho những mạng tốc độ cao sẽ khó khăn nếu chúng nằm cách xa nhau.

2. Repeater


Trong các mạng có phạm vi rộng, tín hiệu thường bị suy hao trên đường truyền. Ở xa nguồn phát tín hiệu rất yếu, vì vậy ta cấn các thiết bị có khả năng khuếch đại tín hiệu, để có thể truyền tín hiệu đi xa.

Repeater là thiết bị ở lớp 1 (Physical Layer) trong mô hình OSI. Repeater có vai trò khuếch đại tín hiệu vật lý ở đầu vào và cung cấp năng lượng cho tín hiệu ở đầu ra để có thể đến được điểm xa hơn trên mạng.


3. Hub



Hub giống như là một Repeater nhiều cổng (Hub có từ 4 đến 24 cổng). Với Hub, khi thông tin vào từ một cổng và sẽ được đưa đến tất cả các cổng khác.

Có 2 loại Hub là Active Hub và Smart Hub.

  • Active Hub là loại Hub được dùng phổ biến, được sử dụng để khuếch đại tín hiệu đến và lặp tín hiệu ra tại những cổng còn lại, đảm bảo mức tín hiệu cần thiết. 
  • Smart Hub (Intelligent Hub) có chức năng tương tự như Active Hub, nhưng có tích hợp thêm chip có khả năng tự động dò lỗi (tìm và phát hiện lỗi trên mạng)








4. Switch


Switch giống như một Bridge có nhiều cổng. Trong khi Bridge chỉ có 2 cổng để liên kết 2 mạng với nhau, thì Switch lại có khả năng kết nối được nhiều hơn tuỳ thuộc vào số cổng (port).
Switch lưu trữ thông tin của mạng thông qua các gói tin (packet) nó nhận được từ các máy trong mạng và sử dụng các thông tin này để xây dựng bảng Switch.
Trong các giao tiếp dữ liệu, Switch thường có 2 chức năng chính là:

  • chuyển các khung dữ liệu từ nguồn đến đích, và 
  • xây dựng các bảng Switch. 
Switch hoạt động ở tốc độ cao hơn nhiều so với Repeater và có thể cung cấp nhiều chức năng hơn như khả năng tạo mạng LAN ảo (VLAN).

5. Router

Router là thiết bị mạng lớp 3 trong mô hình OSI (Network Layer). Router kết nối hai hay nhiều mạng IP với nhau.

Router có thể kết nối với các loại mạng khác lại với nhau, từ những Ethernet cục bộ tốc độ cao cho đến đường dây điện thoại đường dài có tốc độ chậm.

Tuy nhiên Router chậm hơn Bridge vì nó cần tính toán nhiều hơn để tìm ra cách dẫn đường cho các gói tin, đặc biệt khi các mạng kết nối với nhau không cùng tốc độ.
Một mạng tốc độ cao có thể phát các gói tin nhanh hơn nhiều so với một mạng chậm và có thể gây ra sự nghẽn mạng. Do đó, Router có thể yêu cầu máy tính gửi các gói tin đến chậm hơn.

Thường các Router được chế tạo riêng theo một giao thức. Hiện nay tất cả các router thương mại đều có thể xử lý nhiều loại giao thức, tuy nhiên giá thành sẽ cao hơn.


6. Gateway


Gateway cho phép nối ghép hai mạng dùng giao thức khác nhau. Ví dụ: mạng sử dụng giao thức IP với mạng sử dụng giao thức IPX, Novell, DECnet, SNA...

Qua Gateway, các máy tính trong các mạng sử dụng các giao thức khác nhau có thể dễ dàng kết nối được với nhau. 
Gateway không chỉ phân biệt các giao thức mà còn còn có thể phân biệt ứng dụng như cách bạn chuyển thư điện tử từ mạng này sang mạng khác, chuyển đổi một phiên làm việc từ xa...


Sự khác biệt giữa HUB, SWITCH và ROUTER


Ngày nay, hầu hết các router đều là thiết bị kết hợp nhiều chức năng, và thậm chí nó còn đảm nhận cả chức năng của switch và hub.

Với hub, một frame dữ liệu được phát tới tất cả các cổng của thiết bị (không phân biệt các cổng với nhau). Việc phát đi như vậy đảm bảo dữ liệu sẽ được chuyển tới đích cần đến, tuy nhiên nó lại làm tốn băng thông mạng và có thể khiến cho mạng bị chậm đi.

Trong khi đó, switch lưu lại bản ghi nhớ địa chỉ MAC của tất cả các thiết bị mà nó kết nối tới. Với thông tin này, switch có thể xác định hệ thống nào đang chờ ở cổng nào. và nó chỉ gửi tới chính xác cổng cần gửi tới (tránh lãng phí băng thông mạng). Do đó switch được coi là lựa chọn tốt hơn so với hub.

Còn router thì khác hoàn toàn so với hai thiết bị trên, chức năng chính của router là định tuyến các gói tin trên mạng cho tới khi chúng đến đích cuối cùng. Router thường được kết nối với ít nhất hai mạng, thông thường là hai mạng LAN hoặc WAN, hoặc một LAN và mạng của ISP nào đó.

Router được đặt tại gateway, nơi kết nối hai hoặc nhiều mạng khác nhau. Nhờ sử dụng các tiêu đề (header) và bảng chuyển tiếp (forwarding table), router có thể quyết định nên sử dụng đường đi nào là tốt nhất để chuyển tiếp các gói tin. Router sử dụng giao thức ICMP để giao tiếp với các router khác và giúp cấu hình tuyến tốt nhất giữa bất cứ hai host nào.

Ngày nay, có rất nhiều các dịch vụ được gắn với các router băng rộng. Thông thường, một router bao gồm 4-8 cổng Ethernet switch (hoặc hub) và một bộ chuyển đổi địa chỉ mạng - NAT (Network Address Translator). Ngoài ra, router thường gồm một máy chủ DHCP (Dynamic Host Configuration Protocol), máy chủ proxy DNS (Domain Name Service), và phần cứng tường lửa để bảo vệ mạng LAN trước các xâm nhập trái phép từ mạng Internet.

Tất cả các router đều có cổng WAN để kết nối với đường DSL hoặc modem cáp – dành cho dịch vụ Internet băng rộng, và switch tích hợp để tạo mạng LAN được dễ dàng hơn. Tính năng này cho phép tất cả các PC trong mạng LAN có thể truy cập Internet và sử dụng các dịch vụ chia sẻ file và máy in.
Một số router chỉ có một cổng WAN và một cổng LAN, được thiết kế cho việc kết nối một hub/switch LAN hiện hành với mạng WAN. Các switch và hub Ethernet có thể kết nối với một router để mở rộng mạng LAN. Tuỳ thuộc vào khả năng (nhiều cổng) của mỗi router, switch hoặc hub, mà kết nối giữa các router, switche/hub có thể cần tới cáp nối thẳng hoặc nối vòng. Một số router thậm chí có cả cổng USB và nhiều điểm truy cập không dây tích hợp.

Một số router cao cấp hoặc dành cho doanh nghiệp còn được tích hợp cổng serial – giúp kết nối với modem quay số ngoài, rất hữu ích trong trường hợp dự phòng đường kết nối băng rộng chính trục trặc, và tích hợp máy chủ máy in mạng LAN và cổng máy in.

Ngoài tính năng bảo vệ được NAT cung cấp, rất nhiều router còn có phần cứng tường lửa tích hợp sẵn, có thể cấu hình theo yêu cầu của người dùng. Tường lửa này có thể cấu hình từ mức đơn giản tới phức tạp. Ngoài những khả năng thường thấy trên các router hiện đại, tường lửa còn cho phép cấu hình cổng TCP/UDP dành cho game, dịch vụ chat, và nhiều tính năng khác.

Như vậy:
  • hub được gắn cùng với một thành phần mạng Ethernet; 
  • switch có thể kết nối hiệu quả nhiều thành phần Ethernet với nhau; 
  • và router có thể đảm nhận tất cả các chức năng này, cộng thêm việc định tuyến các gói TCP/IP giữa các mạng LAN hoặc WAN, và còn nhiều chức năng khác nữa.

Nguồn: Infoworld